10 năm truân chuyên của toà nhà cao thứ 3 Sài Gòn 22-08-2017 14:52:36 GMT +7Đầu năm nay, dự án Saigon One Tower tưởng như đã tìm được lối ra khi có nhà đầu tư ngoại rót vốn để hoàn thiện. Tuy nhiên, ngày 21/8, dự án bất ngờ bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ vì những khoản nợ trước đó.
Gần 10 năm truân chuyên, Saigon One Tower từ dự án biểu tượng trở thành dự án làm “xấu mặt” thành phố theo như chia sẻ của lãnh đạo TP.HCM.
Một đứa con, 5 người mẹ
Được khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower (tên cũ là Sài Gòn M&C Tower) dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195 m).
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công. Ngoài ra, các tên tuổi lớn như DP Architects của Singapore (thiết kế kiến trúc), Cisco Systems của Mỹ (tư vấn hệ thống mạng quản lý tòa nhà) cũng tham gia vào dự án.
Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C. Sài Gòn M&C ban đầu được sáng lập bởi các cổ đông đình đám gồm Công ty Cổ phần M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ (5%).
Saigon One Tower nằm ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.672 m2, bao gồm một khối bệ làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, một khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế cao 34 tầng và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện nghi khác.
Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm thành phố, thế nhưng sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, khoảng 80% khối lượng công việc đã hoàn thành. Dự án dời thời điểm hoàn thành sang năm 2012 rồi 2013 nhưng vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi đó, cơ cấu công ty cổ phần đầu tư địa ốc M&C, chủ đầu tư dự án có sự thay đổi khi doanh nghiệp này vừa công bố con dấu cũng như lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật mới. Ông Trần Hùng Việt và bà Võ Ngọc Xuân lần lượt là Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty này.
Thời gian sau đó, các cổ đông sáng lập ban đầu là Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và PNJ lần lượt thoái vốn. Công ty Cổ phần M&C ngưng hoạt động vì nợ thuế.
Cuối tháng 9/2015, UBND TP.HCM cho biết sẽ thanh tra toàn diện dự án. Tuy nhiên, đến nay kết quả thanh tra vẫn chưa được công bố.
Từ hy vọng hồi sinh đến bị siết nợ
Dự án toà nhà cao thứ 3 Sài Gòn liên tục bị lãnh đạo TP.HCM nhắc nhở vì hoang phế làm xấu mặt thành phố. Đầu năm nay, thông tin dự án được rót thêm vốn bởi các nhà đầu tư ngoại để hoàn thiện xuất hiện. Thông tin này được cho là tích cực, mang đến ánh sáng hồi sinh cho dự án sau gần 10 năm đắp chiếu.
Tập đoàn kiến trúc RSP (Singapore) cho biết đang thực hiện dự án hoàn thiện công trình tòa cao ốc có vị trí chiến lược ở giao lộ đường Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư là CTCP phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC).
Công ty này cũng tiết lộ thời điểm hoàn thành dự án vào năm 2018. Với vị trí nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất quận 1, TP HCM, dự án sẽ là tòa cao ốc văn phòng hạng A, chung cư cao cấp và trung tâm thương mại. Điểm nhấn là quán bar ngoài trời cao nhất Việt Nam. Vị thế biểu tượng cũng được nhen nhóm trở lại với Saigon One Tower.
Trong cuộc họp báo định kỳ tháng 8 vừa qua của UBND TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết dự kiến trong tháng 8, chủ đầu tư phải tháo dỡ phần ngoài để chuẩn bị thi công. Đến tháng 10, dự án sẽ được khởi công trở lại và trước Tết Nguyên đán phải được hoàn thiện cơ bản phần thô. Sau đó, Saigon One Tower sẽ phải được đưa vào sử dụng sớm nhất.
Tuy nhiên, thông tin trên phát đi chưa lâu thì ngày 21/8, VAMC cho biết đã tiến hành thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower. VAMC cho biết công ty này đã có yêu cầu Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 5/5, để xử lý nợ nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện.
Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với MaritimeBank, DongABank đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C); Công ty CP Đầu tư Liên Phát; Công ty CP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C, với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng. |