Thép nội khó cạnh tranh 22-11-2017 15:32:30 GMT +7
Dư thừa thép xây dựng
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng năng lực sản xuất của ngành thép trong nước vào khoảng 30 triệu tấn/năm. Cụ thể, ở mặt hàng phôi thép là 12 triệu tấn/năm, thép cán 12 triệu tấn/năm, tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm. Với quy mô này, ngành thép Việt Nam được đánh giá đang đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, nguồn cung đang vượt xa cầu. Do đó, hiện nay ngành thép mới chỉ hoạt động khoảng 50 - 60% công suất. Như vậy, nếu nói về số lượng, rõ ràng Việt Nam không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà đang dư thừa công suất, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng.
Đáng chú ý là, mặc dù dư thừa nhưng giá thép của Việt Nam vẫn cao hơn so với thép Trung Quốc cùng chủng loại. Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất thép Trung Quốc rất cạnh tranh. Về lâu dài, sức ép của thép Trung Quốc đối với thép trong nước là rất lớn.
Theo VSA, cùng với việc đổi mới công nghệ, các DN thép Việt Nam cần phải đổi mới phương thức quản lý nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất. Hiện quy mô, trình độ công nghệ của nhiều DN còn hạn chế dẫn đến giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thực sự cạnh tranh, hiệu suất sử dụng chưa đạt yêu cầu. Để giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường thép Việt Nam phải xuất phát từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thép.
Giá giảm, tiêu thụ giảm
Theo báo cáo của VSA, trong tháng 10 vừa qua, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép đã giảm 5 - 7% so với tháng 9/2017 nhưng vẫn là tháng được đánh giá tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đó, sản lượng thép xây dựng sản xuất ra trong tháng 10/2017 đạt 758.412 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ 2016, nhưng giảm 9,35% so với tháng 9/2017. Trong đó, tiêu thụ đạt 559.847 tấn, giảm so với cùng kỳ và tháng trước lần lượt là 14% và 24%.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến tháng 10 sản phẩm thép xây dựng trong nước tiêu thụ giảm, bởi bắt đầu từ cuối tháng 9 các nhà phân phối gần như ít nhập hàng và chủ yếu đẩy mạnh tiêu thụ nốt hàng tồn kho trước đây. Cùng với đó là do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều. Để giữ vững thị phần, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải đồng loạt giảm giá bán. Theo ghi nhận, tại phía Bắc đã giảm 3 lần: ngày 11/10, 18/10 và 23/10 với mức giảm gộp 500-700 đ/kg; phía Nam giảm từ 400 - 600 đ/kg.
Đáng chú ý, trong tuần cuối tháng 10/2017 sản lượng bán hàng đã được cải thiện hơn so với 3 tuần trước đó do lượng hàng tồn kho từ các công trình hay từ nhà thương mại đã giảm nhiều. Sản lượng giao hàng có cải thiện song vẫn còn ở mức thấp dưới mức xuất hàng bình quân/ngày của nhà máy.
Riêng đối với sản phẩm ống thép trong tháng 10/2017 tính cả sản xuất và tiêu thụ của các DN là các thành viên VSA đều đạt tốt hơn so với thép xây dựng. Như sản xuất ống thép đạt 172.875 tấn, tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tiêu thụ ống thép của các thành viên VSA đạt 176.031 tấn, tăng 6,33% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu ống thép hàn đạt 28.155 tấn, tăng 26,9% so với tháng 9/2017 và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép 10 tháng năm 2017 đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2016, sản xuất đạt 17.046.955 tấn, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó tiêu thụ đạt 14.151.126 tấn, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. |