Được biết, theo số liệu hải quan, từ năm 2012 tới nửa đầu 2016, HSG là một trong hai doanh nghiệp xuất khẩu thép carbon chống ăn mòn sang Mỹ nhiều nhất, cùng với Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam.
Về HSG, doanh thu xuất khẩu thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu doanh thu Công ty. Trong đó, niên độ tài chính 2014-2015 doanh thu xuất khẩu chiếm 40% tổng doanh thu, tương đương 7,000 tỷ đồng. Con số này tại niên độ 2015-2016 đạt 35%, tức doanh thu xuất khẩu Công ty năm này xấp xỉ 6,300 tỷ đồng.
Như vậy, nếu Mỹ thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam (nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc) tương đương mức thuế AD và CVD đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc, thì HSG sẽ chịu thiệt hại không hề nhỏ trong thời gian đến.
Năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với hai sản phẩm trên của Trung Quốc. Đến năm 2016 thì chính thức áp thuế AD là 199.43% và CVD là 39.05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265.79% và CVD là 256.44%.
Kết thúc niên độ tài chính 2016-2017 (01/10/2016-30/09/2017), HSG đạt 26,148 tỷ đồng doanh thu, tăng 46% đồng thời vượt 14% con số kế hoạch là 23,000 tỷ đồng. Song, chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng tăng đã kéo lợi nhuận sau thuế Công ty giảm hơn 11%, về mức 1,331 tỷ đồng. So với kế hoạch là 1,650 tỷ đồng, trong niên độ tài chính 2016-2017, HSG theo đó chỉ mới thực hiện được 81% chỉ tiêu.
Một đơn vị khác cũng chịu tác động tương đối mạnh, Thép Nam Kim (NKG) ghi nhận mức giảm hơn 2% thị giá cổ phiếu ngay trong phiên 05/12. Đến nay đà giảm tại đơn vị này đã dừng lại, hiện NKG đang giao dịch tại mốc 37,550 đồng/cp.
Được biết, NKG cũng là một trong nhưng đơn vị xuất khẩu thép mạnh, giai đoạn 2015-2016 doanh thu từ xuất khẩu chiếm 43-47% tổng doanh thu. Chưa kể, định hướng phát triển thời gian đến NKG cho biết sẽ đẩy mạnh công tác xuất khẩu hơn nữa.