Kiến nghị thêm gói kích cầu nhà giá rẻ trong năm 2018 27-12-2017 10:21:21 GMT +7Theo HoREA mục đích của đề xuất này là để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỉ đồng/căn với điều kiện có cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng nơi đúng chỗ.
Cụ thể, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỉ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỉ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho các tổ chức tín dụng để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Bên cạnh đấy, HoREA cũng kiến nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng (trong giai đoạn 2018-2020), để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất khoảng 4,8%/năm.
Người mua nhà xã hội lâu nay đang trông chờ vào các gói tín dụng ưu đãi
Theo HoREA, về lâu dài, cần có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội. “Đây là giải pháp hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội”.
Theo đánh giá, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỉ đồng, đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở.
Tuy nhiên, việc gói tín dụng này chấm dứt giải ngân đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội từ ngày 1/6/2016 và đối với người mua nhà ở xã hội từ ngày 1/1/2017, nhưng đến nay, chưa có gói nào thay thế nên các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội này lâm vào hoàn cảnh không thể thực hiện tiếp hợp đồng, hoặc phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp, hoặc phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao. |