Căn cứ vào văn bản điều chỉnh thuế, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ thuế suất tạm thời áp dụng đối với các mặt hàng thép cây, thép thanh vằn và thép dây; giảm thuế tạm thời đối với 200 mặt hàng thép cuộn không gỉ cán nóng, phôi thép tấm, phôi thép thanh và một vài sản phẩm hợp kim.
Thuế xuất khẩu được điều chỉnh bao gồm: gang từ 20% xuống 0%, fero silic từ 25% xuống 20%; fero silicmangan từ 20% xuống 0%, fero crom từ 40% xuống 15%, các loại thép phế liệu khác từ 40% xuống 0%.
Thuế xuất khẩu thép tấm không gỉ giảm từ 10% xuống 5% và thuế thép thanh từ 15% xuống 10%. Thuế xuất khẩu tôn có thể giảm từ mức 10% xuống còn 5% và phôi thép giảm từ 15% xuống còn 10%.
Việc điều chỉnh thuế sẽ giúp khôi phục các đơn hàng xuất khẩu thông thường. Việc giảm thuế có thể làm gia tăng quá nhanh lượng xuất thép Trung Quốc xuất ra thị trường thế giới, có thể khiến các nước nhập khẩu áp dụng mạnh mẽ các biện pháp phòng vệ chống bán phá giá lên các sản phẩm của nước này.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thép vẫn có lợi nhuận xuất khẩu cao do thêm các thành phần Boron hoặc Chrome vào sản phẩm để tránh thuế xuất khẩu.
Việc điều chỉnh thuế được cho là sẽ không làm gia tăng ngay sản lượng xuất khẩu thép thanh vằn và thép dây. Bởi vì từ năm ngoái, Trung Quốc đã cắt giảm 115 triệu tấn thép, vượt sản lượng và xóa bỏ 140 triệu tấn thép của những nhà máy gây ô nhiễm môi trường, khiến cho trên thị trường nội địa bị thiếu nguồn cung thép xây dựng và sản lượng xuất khẩu giảm. Nguồn cung thiếu dường như mới là nguyên nhân khiến xuất khẩu thép giảm chứ không phải là giá xuất khẩu quá cao.
Điều chỉnh thuế sẽ ảnh hưởng đến thị trường thép kỳ hạn hơn là thị trường giao ngay. Thuế xuất khẩu giảm sẽ làm tăng kỳ vọng xuất khẩu thép và điều này sẽ đẩy giá thép kỳ hạn tăng.
Theo Reuters, chuyên gia phân tích ngành thép Chris Jackson cho rằng, nhiều nước sẽ lo ngại khả năng Trung Quốc xuất khẩu thép giá rẻ, tạo áp lực lên giá thép toàn cầu.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xuất khẩu 64,5 triệu tấn sản phẩm thép trong 10 tháng đầu năm 2017, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng xuất khẩu dây thép chỉ đạt 1,74 triệu tấn, giảm 9,5%.
Kể từ tháng 1/2016, Trung Quốc cắt giảm khoảng 100 triệu tấn thép hợp pháp và 120 triệu tấn thép bất hợp pháp.
Hiệp hội thép châu Âu Eurofer nhận định, rõ ràng rằng việc giảm thuế có tác dụng làm tăng xu hướng xuất khẩu.
Ngành thép phục hồi trở lại sau đợt khủng hoảng năm 2015 do Trung Quốc cắt giảm sản lượng và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy giá thép tăng khoảng 50%. Tuy nhiên, ngành này vẫn chịu tổn thương do lượng thép thừa ước tính khoảng 730 triệu tấn mà một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.
Theo ông Jackson ảnh hưởng của việc cắt thuế xuất khẩu thép có thể được giảm nhẹ xuống nhờ nhu cầu thép nội địa Trung Quốc tăng khi nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định.
Viện Quy hoạch và Nghiên cứu Công nghiệp Luyên kim Trung Quốc kỳ vọng nhu cầu thép ngành công nghiệp nặng có thể tăng 726 triệu tấn trong năm 2018. Nhà phân tích Daniel Meng nhận định, thị trường thép Trung Quốc sẽ vẫn được thắt chặt trong năm tới, ít nhất là trong 6 tháng đầu.