Cách nào cứu những thủy đài đang 'mắc kẹt' giữa Sài Gòn 28-12-2017 14:01:37 GMT +7Việc chuyển đổi công năng cho công trình cũ nói chung và cho kiến trúc Thủy đài nói riêng không có gì mới. Ở các nước, ngoài việc có một số rất ít thủy đài sau khi phân tích không đảm bảo chất lượng làm việc của kết cấu, hoặc không có chức năng, nhà đầu tư phù hợp và buộc phải phá bỏ thì hầu hết các thủy đài đều được có phương án thay thế bằng công năng khác.
1. Bài học từ kinh nghiệm của các nước phát triển
Bỉ:
Một trong 5 thủy đài tại thành phố Brasschaat, được xây dựng đầu thế kỉ 20 và được sử dụng tới năm 1937.
Thủy đài có dáng hình trụ, cao 4 m và đặt trên 4 chân cột bê tông cao 23 m. Có 3 sàn bê tông với kích thước 4 x 4m. Năm 1994, Thủy đài được mua lại bởi tư nhân và được kiến trúc sư Jo Crepain chuyển đổi chức năng sử dụng sang nhà ở.
Phần đế và tháp được đổi mới toàn bộ: Két nước phía trên cùng không thay đổi và có bố trí lối lên từ vườn.
Tầng trệt gồm: Bếp (3), phòng sinh hoạt (2); Tầng lửng trên bếp là WC lớn (5); Lầu 1 gồm sân mái (6) và phòng ngủ (7); Lầu 2 gồm phòng làm việc (8); Lầu 3 có phòng ngủ khách (9); Lầu 4 có vườn mùa đông (10)
Thủy đài lúc còn bị bỏ hoang.
Bếp, phòng sinh hoạt chung (ảnh trái) và chi tiết kính, cầu thang thép - phần làm mới sau này với hệ kết cấu cột sàn bê tông cũ (ảnh phải)
Đức:
Thủy đài Koeln được xây theo chủ nghĩa cổ điển - kiến trúc Roman và đưa vào sử dụng năm 1877. Ngày nay, thủy đài này đã trở thành Khách sạn 88 phòng.
Năm 1864, kỹ sư John Moore đã thắng giải thiết kế đài nước với quy mô 15.460 m3. Tuy nhiên, Thủy đài bắt đầu được xây dựng năm 1868 với quy mô nhỏ hơn - 3650 m3, cao 35,6 m, đường kính 34 m, khu vực chứa nước ở cao độ 25 m được bọc thép.
Năm 1877 Thủy đài được hoàn thành và trở thành thủy đài lớn nhất châu Âu, phục vụ việc điều phối nước cho tới năm 1930. Sau khi bị phá hủy một phần trong thế chiến thứ 2, Thủy đài chỉ còn cao 27 m.
Năm 1985, chính quyền thành phố đã có sự quyết định đầu tư khai thác Thủy đài, chuyển đổi công năng thành khách sạn. KTS. Konrad L. Henrich chính là người thiết kế khách sạn này. Công trình hoàn thành năm 1990 và trở thành khách sạn 5 sao với 88 phòng (44 phòng đôi, 10 phòng đơn, 34 phòng Suite), 2 nhà hàng, Spa, Trung tâm thể dục.
Bên trong khách sạn.
Một Thủy đài khác cũng tại quốc gia này là 2.0 Rottweil. Thủy đài hoàn thành năm 1974, cao 62 m với hình phễu chứa 750 m3 nước
Thủy đài cũng được sử dụng như 1 tháp truyền hình với 1 ăngten phía trên gắn đèn báo. Tháp thuộc sở hữu của Cơ quan cung cấp năng lượng Rottweil, ngưng hoạt động năm 2015 và được bán lại cho công ty TNHH IT Mawa - Solution vào tháng 4/2017. Theo phương án thiết kế lại của công ty Sailer & Sailer, Thủy đài sẽ được bổ sung thêm khối nhà ở 10 tầng ở với 40 - 65 căn hộ, nhà hàng 100 chỗ, sân mái tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng, chỗ đậu xe, đổ rác...
Phương án thiết kế lại Thủy đài 2.0 Rottweil của công ty Sailer & Sailer.
Anh:
Thủy đài Congleton được xây dựng năm 1881 dưới bàn tay của kỹ sư William Blackshaw. Công trình sử dụng tường chịu lực với gạch trần dày 60 - 70 cm. Chiều cao của Thủy đài này là 15 m, đường kính 11 m.
Thủy đài không còn được sử dụng làm tháp nước từ năm 2001. Sau đó 11 năm, Kts. Andy Critchlow đã mua lại và chuyển thành không gian ở - tiết kiệm năng lượng.
"Tòa nhà" tiết kiệm năng lượng Congleton với vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại.
Hà Lan:
Ở Hà Lan cũng có rất nhiều Thủy đài được chuyển đổi công năng thành địa điểm du lịch hay tòa nhà văn phòng.
Thủy đài Sint Jansklooster được chuyển thành đài ngắm cảnh
Thủy đài Bosch được xây dựng từ năm 1885. Hiện nay nó được chuyển đổi thành Văn phòng thiết kế Kts. ZECC
Tuy nhiên, cũng có những Thủy đài tại Phần Lan mà qua quá trình khảo sát, đề xuất sửa chữa không tìm được mục đích sử dụng phù hợp và nhà đầu tư nên đã bị phá bỏ. Điển hình là Thủy đài Lauttasaari. Được đưa vào sử dụng từ năm 1958, Thủy đài này đã ngừng hoạt động vào năm 1996. Hội đồng TP Helsinki đã quyết định phá bỏ công trình này vào năm 2010.
Thủy đài Lauttasaari trước và lúc bị phá bỏ.
2. Giải cứu những tháp nước đang bị lãng quên giữa Sài Gòn
Như đã đề cập ở bài trước, TP.HCM có 7 Thủy đài lớn được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ 20, nằm rải rác trên các khu vực cao của thành phố với nhiệm vụ điều hòa áp lực nước sinh hoạt cho người dân.
Sơ đồ vị trí các Thủy đài lớn tại TP.HCM.
Mặc dù chưa từng được sử dụng theo đúng công năng vốn có của nó nhưng sự hiện diện của các Thủy đài này đã tạo nên nét đặc trưng của kiến trúc Thành phố với vật liệu bê tông trần theo kiến trúc hiện đại, chủ nghĩa Thô mộc. Thêm vào đó, với kích thước khổng lồ - cao 30 m, đường kính chỗ rộng nhất 16 m - chúng cũng tham gia vào đường bóng chân trời (đường Siluet) để có thể nhận diện thành phố từ xa.
Một Thủy đài đang bị tháo dỡ tại TP.HCM. Ảnh chụp ngày 23/12/2017
Từ những bài học của các nước phát triển, chúng tôi thiết nghĩ, TP. HCM nên tạm ngưng hoạt động phá dỡ Thủy đài, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực: kiến trúc, kết cấu, bảo tồn, lịch sử, du lịch... để cùng đánh giá, đồng thời khảo sát kỹ lưỡng về tình trạng kết cấu, độ cứng của vật liệu và tìm giải pháp cho từng Thủy đài.
Bước tiếp theo, có thể tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm ý tưởng tái sử dụng các công trình Thủy đài đã hết công năng sử dụng, lập các hồ sơ thiết kế tu bổ cho từng Thủy đài. Nếu những Thủy đài này được thay đổi công năng và khoác lên mình tấm áo mới xứng đáng với năm tuổi và sự bề thế của nó thì không chỉ có ý nghĩa bảo tồn mà còn mang lại lợi ích kinh tế.
Các bước để có thể "cởi trói" cho các Thủy đài đang mắc kẹt tại TP.HCM
Với các giá trị về kỹ thuật xây dựng, hình thức kiến trúc và đặc biệt là giá trị lịch sử của nó, những Thủy đài “khổng lồ” này cần thiết được lưu giữ và có những khảo sát bài bản, đánh giá đúng đắn về tình trạng tồn tại để có những hướng khai thác tốt trong sự phát triển chung của thành phố.
Tất nhiên, chúng tôi không cho rằng tất cả những cái gì cũ kỹ của quá khứ đều phải giữ lại, nhưng không phải cái gì không còn giá trị sử dụng nữa thì phá bỏ, nhất là đối với các công trình kiến trúc cổ. Bởi phá bỏ thì dễ, nhưng giữ lại và thổi hồn vào chúng để chúng hòa mình vào nhịp đập của thành phố mới là việc cần phải suy xét. |